Giới Trẻ Ngô Xá ngoxaonline™
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Giới Trẻ Ngô Xá ngoxaonline™

Diển đàn giao lưu của xứ Ngô Xá - Giáo Hạt Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
•´¨`:*:•(¯`'•. Thống Kê Bài Viết Mới.•'´¯)•:*:´¨`•
Similar topics

Share | 

 

 Cuộc Thương Khó

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Cuộc Thương Khó Icon_minitimeTue Apr 03, 2012 7:40 am

fxvansy

Búa Gỗ

fxvansy

Hoàng đạo : Cung Nhân Mã
Tử Vi : Hợi
Tổng số bài gửi : 15
Điểm : 45
Danh Tiếng : 0
Tuổi : 40
Đến từ : ĐÔNG THÀNH

Bài gửiTiêu đề: Cuộc Thương Khó

 

Chúa Giêsu rất thương xót những người đau khổ. Ngài đã làm phép lạ để cứu chữa họ, và dạy mọi người phải yêu thương nhau chứ không dạy phải làm khổ cho nhau. Đối với Chúa Giêsu đau khổ là điều xấu. Khi nghĩ về cuộc thương khó trong vườn Giệtsimani, Ngài đã bồi hồi, xao xuyến, sợ hãi đến đổ mồ hôi máu.
Thánh Kinh cho ta thấy căn nguyên của đau khổ là tội lỗi. Vì đau khổ là xấu nên con người phải tránh gây đau khổ cho nhau bằng mọi hình thức. Đồng thời phải tích cực xây dựng sự công bằng và bác ái. Rất nhiều đau khổ ở thế gian do con người, tội lỗi và sự bất công gây ra. Khi chấp nhận đau khổ để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta một số nguyên tắc luân lý:
1. Chỉ chấp nhận đau khổ và hy sinh vì hạnh phúc của người khác. Sự hy sinh phải nhằm vào những mục đích tốt, và những mục đích đó phải có một giá trị cao hơn sự thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã tự ý chịu đau khổ để tiêu diệt tội lỗi theo đường lối của Thiên Chúa Cha. Khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem để hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó, Ngài đã phải đụng chạm với sức mạnh của chính quyền, xung khắc với sự tự do của con người. Và sự đau khổ đã đến như một hậu quả tất yếu vì sứ mệnh của Ngài. Ngài đã phải chọn lựa giữa việc chu toàn sứ mạng dù phải chấp nhận sự đau khổ và cái chết trên thập giá hơn là sự đào ngũ, chạy trốn của người hèn nhát.
2. Để sự đau khổ trở nên một giá trị cho người khác, nó phải là tự nguyện như chính Chúa Giêsu đã tự hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhân loại: “Không ai đoạt được mạng sống tôi, nhưng tôi tự ý hiến mạng sống mình”.
Thiên Chúa ban cho con người tự do để cộng tác vào việc sáng tạo của Thiên Chúa. “Con người thường là những hợp tác viên vô ý thức của thánh ý Chúa, nhưng con người cũng có thể chủ ý hợp tác vào kế hoạch của Ngài bằng hành động, lời cầu nguyện, và bằng cả những đau khổ của mình”.
3. Đau khổ hy sinh sẽ trở nên sai trái khi nó hủy diệt chính con người của mình. Chúa Giêsu đã không đánh mất bản tính Thiên Chúa của Ngài khi chết trên thập giá. Ngài chết trên thập giá nhưng Ngài vẫn là Thiên Chúa, độ lượng, tha thứ và nhân từ. Đau khổ không làm Ngài rơi vào hận thù và tuyệt vọng. Chính tình yêu làm cho đau khổ trở thành giá trị. Con đường khổ giá từ Giêrusalem lên núi sọ chịu đóng đinh của Chúa Giêsu chính là con đường của tình yêu.
Sách Giáo lý Công giáo số 609 viết rằng: “Khi gắn bó với tình thương của Chúa Cha đối với mọi người, trong trái tim nhân tính của mình, Chúa Giêsu “đã yêu thương họ đến cùng”, “bởi vì không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì những người mình yêu thương”. Bởi vậy, trong đau khổ và trong khi chết, nhân tính của Ngài đã trở thành dụng cụ tự do và tuyệt hảo của tình thương thần linh của Ngài muốn cứu vớt mọi người”.
Bắt đầu Tuần Thánh này, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta nhìn vào thánh giá để thấy những ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm tình yêu đó:
Nhìn vào thánh giá ta thấy đau khổ bên ngoài và tình yêu Thiên Chúa bên trong, sự chết của con người và sự sống lại của Thiên Chúa, bóng tối tội lỗi của trần gian và ánh bình minh cứu độ, sự ích kỷ của ta và sự hy sinh của Thiên Chúa, sự kiêu căng của ta và sự khiêm tốn của Thiên Chúa, sự bất lực của ta và sức mạnh vô song của Thiên Chúa, sự thù hận của con người và sự tha thứ của Thiên Chúa, sự hèn hạ của ta và sự cao cả của Thiên Chúa. Nhìn vào thánh giá ta thấy nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô.
Quả vậy, như lời thánh Phaolô đã dạy: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa”.

________________________________________


Hoan hô - Đả đảo
Hôm nay toàn thể Giáo Hội tưởng niệm Chúa Kitô vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Vì thế ngày lễ hôm nay gồm có hai phần: phần đầu kính nhớ việc Chúa vào thành thánh bằng cuộc rước kiệu lá, phần hai là thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa.
Trước hết, ngày Chúa nhật trước khi đi thụ nạn, Chúa Giêsu lên thủ đô Giêrusalem lần cuối cùng. Dân chúng lũ lượt kéo nhau đi như cuộc biểu tình vĩ đại, trên đường vào thành thánh, họ trải áo choàng trên đường và chặt những nhánh lá cây rải trên đường để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như cho một vị vua của họ. Họ vừa đi vừa tung hô: “Hoan hô con vua Đavid”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Người người nồng nhiệt hò la, Chúa Giêsu im lặng chấp nhận để họ đón rước và tung hô như thế. Ngài là một vị vua vinh quang nhưng khiêm hạ, Ngài không phải là vị vua như dân Do Thái mong đợi, nghĩa là vua phần xác, đến để giải phóng dân tộc họ khỏi ách đô hộ ngoại bang Rôma, đem cơm áo ấm no cho họ. Nhưng Ngài là vua trong lòng của họ, đem đến tình thương và hòa bình.
Đàng khác, cũng trong ngày lễ hôm nay, chúng ta nghe đọc bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Cuộc khổ nạn diễn ra vào ngày thứ sáu sau Chúa nhật lễ lá, nghĩa là chỉ sau ít ngày nhiệt liệt tung hô Chúa Giêsu, dân Do Thái lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò la đòi giết Chúa. Ngài đã bị bắt, bị trói và bị dẫn đến trước mặt thượng tế Caipha, rồi đến trước tổng trấn Philatô, bị xét hỏi, bị đánh đập, bị kết án và cuối cùng bị hành quyết trên núi Sọ như một tên trọng phạm của xã hội.
Ngày lễ hôm nay cho chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau của dân Do Thái: hoan hô Chúa và đả đảo Chúa, đưa Chúa lên ngai vua và hạ bệ Chúa trên thập giá. Chắc chúng ta khó chịu, bực tức và lên án thái độ đổi thay, lòng dạ tráo trở của những người đó phải không? Nhưng chúng ta hãy ý tứ, có người đã viết như thế này: “Giữa Chúa nhật lễ lá và thứ Sáu Tuần Thánh có thể phản chiếu cả cuộc đời của các Kitô hữu: Hôm nay chúng ta hoan hô, chúc tụng Chúa: vạn tuế, vạn tuế, ngày mai chúng ta có thể sẽ gào thét: đả đảo, hãy đóng đinh, hãy đóng đinh hắn vào thập giá. Hôm nay chúng ta yêu thương, ngày mai chúng ta oán ghét. Hôm nay chúng ta hân hoan, ngày mai chúng ta buồn sầu. Hôm nay chúng ta hiền hòa, ngày mai chúng ta hung dữ. Hôm nay chúng ta tin tưởng, ngày mai chúng ta hoài nghi. Vâng, danh sách các mâu thuẫn giữa thiện và ác còn có thể tiếp tục nối dài, và thực sự giữa Chúa nhật lễ lá và thứ sáu Tuần Thánh có thể phản chiếu cả cuộc đời của các Kitô hữu”.
Để làm sáng tỏ những tư tưởng trên, một diễn giả đã dùng một cành lá dừa. Cành lá dừa xanh tươi tượng trưng cho những đặc tính tích cực của Chúa nhật lễ lá như hoan hô, chúc tụng, yêu thương, hân hoan, hiền hòa, tin tưởng. Mỗi lần nêu lên một khía cạnh tiêu cực của cuộc sống như khước từ, oán ghét, buồn phiền, hung dữ, hoài nghi, diễn giả tuốt bỏ phần lá xanh, chỉ còn để lại cọng của cành lá dừa. Cuối cùng, cành lá dừa xanh tươi đã biến thành một bó roi có thể dùng để hành hạ nhau, biến thiên đàng thành địa ngục.
Chắc tất cả chúng ta đều hiểu và thấm thía những điều trên đây? Cuộc sống của chúng ta có nhiều tiêu cực hơn tích cực, chúng ta làm khổ nhau nhiều hơn làm đẹp lòng nhau. Có phải chúng ta xích mích, gây chia rẽ bất hòa nhiều hơn là xây dựng, yêu thương, đoàn kết? Chúng ta tôn vinh Chúa ở trong nhà thờ nhưng chúng ta có tôn vinh Chúa trong cuộc sống ở ngoài nhà thờ không? Mỗi khi chúng ta không tôn trọng bất cứ người anh em nào là chúng ta không tôn vinh Chúa. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta luôn trung thành với lời chúng ta hoan hô “vạn tuế” để trong cuộc sống, chúng ta quyết đem ra thực hành chương trình xây dựng hòa bình và tình thương của Chúa.

________________________________________


Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý
1. Đức Giêsu có run sợ trước đau khổ và sự chết không? Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài là do Ngài bị ép buộc hay do tự nguyện? Động lực khiến Ngài tự nguyện là gì?
2. Cái chết khủng khiếp của Đức Giêsu nói lên điều gì? Có phải vừa nói lên sự công thẳng và nghiêm túc của Thiên Chúa đối với tội lỗi, vừa nói lên tình thương bao la của Thiên Chúa đối với con người không? Công thẳng ở chỗ nào? Tình thương ở chỗ nào?
3. Bài học thực tế mà chúng ta học được qua mầu nhiệm Vượt Qua được cử hành trong Tuần Thánh là gì? Thiên Chúa và Đức Giêsu yêu thương và hy sinh cho chúng ta như thế, các Ngài mong ước điều gì nơi chúng ta?
Chia sẻ
1. Đức Giêsu chịu đau khổ để cứu nhân loại khỏi đau khổ
Mầu nhiệm được cử hành trong Tuần Thánh – làm cho chúng ta hết sức cảm động – là Đức Giêsu đã chấp nhận chịu đau khổ và chết thay cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi đau khổ và sự chết trong cảnh giới vĩnh cửu. Tất cả đều vì yêu thương chúng ta: «Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Nhờ Người mang những vết thương của anh em mà anh em đã được chữa lành» (1Pr 2,24).
Theo niềm tin Kitô giáo, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Ngài chẳng những là người hoàn toàn vô tội, mà còn là một con người hoàn hảo nhất của nhân loại. Thế nhưng Ngài lại phải chịu những cực hình khủng khiếp, đau đớn nhất của con người. Những đau khổ ấy, Ngài đã tự nguyện chịu, mặc dù từ thâm tâm Ngài cũng rất sợ hãi trước đau khổ. Việc Ngài lo buồn đến mức đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu (x. Lc 22,44) nói lên nỗi sợ hãi hết sức cao độ ấy. Nhưng dù biết trước những cực hình khủng khiếp đã khiến Ngài phải sợ hãi như thế, Ngài vẫn tự nguyện đón nhận, vì muốn hoàn thành thánh ý Chúa Cha là cứu độ loài người, và vì chính Ngài cũng yêu thương con người, muốn cứu họ khỏi tội lỗi và hậu quả khủng khiếp của tội lỗi. Dù bản năng có ham sống sợ chết, ham sướng sợ khổ, Ngài vẫn vui lòng chấp nhận đau khổ và chết, để con người được sống và sống hạnh phúc: «Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha» (Mt 26,39).
2. Đức Giêsu thực hiện sự công bình và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi
Vì tội của nguyên tổ và của riêng từng người, đáng lẽ nhân loại chẳng những bị mất hạnh phúc vĩnh cửu mà còn phải chịu đau khổ đời đời. Sự công bình nơi bản tính của Thiên Chúa đòi buộc mọi tội lỗi đều phải đền trả, nghĩa là con người phải chịu hình phạt xứng đáng. Nếu thế con người sẽ phải đau khổ đời đời! Nhưng tình yêu vô biên của Ngài đối với con người đòi hỏi Ngài phải ra tay cứu họ, nếu không thì không còn là tình yêu nữa! Vừa bắt con người phải đền tội, vừa phải ra tay cứu họ, đối với trí óc của con người điều đó quả là mâu thuẫn và nan giải! Nhưng sự khôn ngoan vô biên của Ngài đã giải quyết nan đề ấy bằng cách cho Con của Ngài xuống thế làm người, đại diện cho toàn nhân loại, chịu đau khổ và chết, để đền tội thay cho cả loài người. Theo cách đó, sự công bằng và tình yêu của Ngài đều được thỏa mãn.
Đức Giêsu – là Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa trong bản tính nhân loại – đã đảm trách việc hòa giải giữa hai đòi hỏi trái ngược nhau của sự công bằng và tình yêu Thiên Chúa, và cũng là hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Vì thế, sứ mạng của Đức Giêsu là phải làm sao cho con người thấy được công lý của Thiên Chúa phải được thực hiện nghiêm túc thế nào, đồng thời cũng biểu lộ cho con người thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với con người bao la thế nào.
Chân lý, công lý và tình thương, đó là những thuộc tính hết sức quan trọng trong bản tính Thiên Chúa. Thiết tưởng người Kitô hữu – là người ý thức hơn ai hết con người là hình ảnh của Thiên Chúa – cần phải phản ánh và thể hiện ba thuộc tính ấy trong đời sống của mình. Đức Giêsu đã nhấn mạnh sự quan trọng của ba thuộc tính ấy: «Những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và tính chân thật» (Mt 23,23).
3. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu hiện nơi Đức Giêsu
Thiên Chúa yêu thương con người, điều ấy đã được Thánh Kinh nói đến rất nhiều: «Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa» (1Ga 3,1); «Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời» (Ga 3,16); «Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống» (1Ga 4,9); «Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta» (Rm 5,8).
Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại được thể hiện cụ thể qua tình yêu của Đức Giêsu đối với con người: «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy» (Ga 15,9); «Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng» (Ga 13,1).
4. Hãy thể hiện tình yêu của Thiên Chúa ra cho tha nhân
Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ để con người được hạnh phúc, chấp nhận chết để con người được sống. Chính tình yêu đối với con người đã thúc đẩy Ngài làm điều ấy. Sự việc ấy cho thấy đau khổ của ta có thể biến thành hạnh phúc cho người khác, cái chết của ta có thể biến thành sự sống cho người khác. Nghĩa là ta có thể chấp nhận đau khổ để người mình yêu được hạnh phúc, chấp nhận chết để người mình yêu được sống. Vì thế, đau khổ và chết cho người mình yêu là cách tuyệt hảo nhất để biểu lộ và thể hiện tình yêu: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13). Thiết tưởng người Kitô hữu cần sử dụng thường xuyên cách biểu lộ và thể hiện tình yêu tuyệt hảo này trong đời sống (đáng lẽ phải) đầy tràn yêu thương của mình.
Cũng như tình yêu của Chúa Cha đối với Đức Giêsu là gương mẫu cho tình yêu của Ngài đối với nhân loại: «Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy» (Ga 15,9); thì Ngài rất mong tình yêu của Ngài đối với chúng ta cũng là gương mẫu để chúng ta yêu thương nhau: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12). Thánh Gioan đã diễn tả ý tưởng trên như sau: «Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau» (1Ga 4,11); «Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước» (1Ga 4,19); «Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em» (1Ga 3,16). Vậy, chúng ta hãy áp dụng tinh thần yêu thương và hy sinh cho người mình yêu, trước hết và đặc biệt cho những người gần gũi với chúng ta nhất: cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè… sau đó cho những người xa hơn, và cuối cùng cho cả những người ghét và làm hại chúng ta. «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn Luật Đức Kitô» (Gl 6,2).
Tóm lại, hãy trở nên hiện thân cho tình yêu Thiên Chúa giữa tha nhân, giữa trần gian. Thiết tưởng đó là những điều thực tế mà trong Tuần Thánh này chúng ta phải quyết tâm thực hiện trong đời sống mình. Nếu không Tuần Thánh này cũng chỉ là một tuần vô bổ, trôi qua không dấu vết trong đời sống chúng ta.
Cầu nguyện
Tôi nghe thấy tiếng Chúa nói với tôi: «Con ơi, Cha yêu con, yêu con vô cùng. Cuộc tử nạn và cái chết của Đức Giêsu chính là bằng chứng rrt nhất cho tình yêu của Cha. Cha mong mỏi con đáp lại tình yêu của Cha như một tình nhân mong được người mình yêu đáp trả lại bằng tình yêu. Cách đáp trả tình yêu mà Cha mong muốn nhất nơi con, chính là con ban rải yêu thương một cách thật quảng đại,thậm chí phung phí, cho những người sống chung quanh con, những người con thường gặp hằng ngày. Hãy trở nên hiện thân của tình yêu Cha giữa mọi người».

________________________________________


Ơn cứu chuộc
Chúa Giêsu đã chịu nạn chịu chết vào ngày Thứ Sáu, chúng ta quen gọi là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hay ngày Thứ Sáu chịu nạn. Xưa kia người ta cho ngày thứ sáu chịu nạn là một ngày đáng ghét hơn bất cứ ngày nào khác trong năm, bởi lẽ ngày hôm đó có một người vô tội đã bị kết án tử hình và đã bị giết chết một cách rất tàn nhẫn, bất công. Vì sự kiện đó người ta đã định nghĩa ngày Thứ Sáu chịu nạn là “Thêm một người vô tội được ghi tên vào trang sổ dài trong lịch sử nhân loại, cuốn sổ của biết bao nhiêu người bị tố cáo một cách oan uổng, bị đánh đập, bị hành hạ tàn nhẫn, và có khi bị giết chết”. Theo ý nghĩa này thì quả thật ngày Thứ Sáu chịu nạn là một ngày xấu xa, một ngày đen đũi.
Nhưng đối với chúng ta, ngày Thứ Sáu chịu nạn không phải là một ngày đáng ghét, chúng ta phải nghĩ ngược lại, ngày đó là một ngày đáng ghi nhớ, một ngày có ý nghĩa thật tốt đẹp và hoàn toàn cao cả, một ngày tốt đẹp hơn hết mọi ngày, bởi vì ngày đó là ngày Chúa Giêsu đã chết để cứu chuộc chúng ta, là ngày mở ra một trang sử mới của loài người.
Quả thực, không phải Chúa Giêsu đã chịu thua trước bạo lực, trước rủi ro hay số phận, cái chết của Ngài không phải là một sự thất bại, thua cuộc, nhưng là một sự nghiệp anh hùng và cao quý, vì chỉ có cái chết của Ngài mới có đủ khả năng đền bù tội nguyên tổ và mọi tội lỗi của con người một cách cân xứng, bởi vì tội phạm đến trời thì chỉ trời mới tha được. Hơn nữa, muốn cứu chuộc chúng ta, thật ra Chúa Giêsu đâu có cần phải xuống thế, phải nghèo khổ, phải nhục nhã, phải bị giết chết một cách tức tưởi như vậy, nhưng tất cả những sự ấy Ngài đã lãnh nhận chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến cùng, yêu thương không bờ bến.
Như vậy, không gì chắc chắn bằng Chúa Giêsu đã đổ máu ra chết cho tất cả chúng ta, nhưng cũng không gì chắc chắn bằng Chúa Giêsu đã chết một cách vô ích cho chúng ta nếu chúng ta không muốn tham dự vào công lênh cứu chuộc của Ngài bằng nỗ lực riêng của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã làm bật lên mạch nước, nhưng chúng ta cần cúi xuống mà uống, nguồn mạch Chúa Giêsu sẽ vô ích nếu chúng ta không muốn uống. Nói rõ hơn, ơn cứu chuộc đòi hỏi chúng ta một nghĩa vụ, đó là chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa, như thánh Âu tinh đã nói: “Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần sự cộng tác của chúng ta”.
Thực vậy, khi bị treo trên thập giá, trước khi thở hơi cuối cùng, Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng: “Mọi sự đã hoàn tất”. Như vậy, công việc cứu chuộc của Chúa đã xong, nhưng công việc của chúng ta thì chưa xong, chúng ta còn phải luôn luôn kiện toàn đời sống của mình, từ đó chúng ta mới hiểu câu nói của thánh Phaolô: “Tôi bổ khuyết nơi tôi những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”. Vì thế, chúng ta hãy nhớ hai điều: Thứ nhất, người thế gian thường xét đoán theo hiệu quả, còn Chúa thì đoán xét theo cách thức người ta chu toàn và kiện toàn bổn phận Chúa trao. Nói cách văn hoa, ở đời này, tất cả chúng ta đều là những diễn viên trên sân khấu trần gian, khi màn bi hài kịch cuộc đời hạ xuống, Thiên Chúa không hỏi chúng ta đã giữ vai trò gì mà chỉ hỏi chúng ta đã diễn xuất thế nào về vai trò được trao cho. Thứ hai, khi chấm dứt cuộc sống ở trần gian, có hai câu hỏi được đặt ra: người đời sẽ hỏi: “Người ấy để lại những gì?”, Còn thiên thần thì hỏi: “Người ấy đem đi được những gì?”. Điều đó có nghĩa là trong cuộc hành trình trên trần gian, chúng ta có thể đem theo mình nhiều thứ, nhưng khi đến trước tòa Thiên Chúa, chỉ còn những việc thiện đi theo chúng ta mà thôi.
Tất cả những điều tìm hiểu trên nhắc nhở chúng ta: hãy ý thức hơn về ơn cứu chuộc, hãy thấm nhập ơn cứu chuộc vào chính tâm hồn mình, và hãy sống ơn cứu chuộc trong đời sống hằng ngày. Ước mong chúng ta hãy dành nhiều thời giờ trong Tuần Thánh này để suy nghĩ về ơn cứu chuộc của Chúa và sự cộng tác của mỗi người chúng ta để hoàn thành cuộc đời mình. Cụ thể, trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, ngoài việc cầu nguyện, suy ngắm sự thương khó Chúa, ăn chay để tỏ lòng thống hối, chúng ta còn phải xưng thú tội lỗi để tháo những chiếc đinh nhọn ra khỏi tay chân Chúa.
Đinh nhọn đây có thể là những thù hận và vu cáo bất công như những người đầu mục Do Thái đã làm. Đinh nhọn cũng có thể là sự khiếp nhược chối bỏ Thầy hay phản bội nộp Thầy như các môn đệ Chúa đã làm. Đinh nhọn cũng có thể là những sự độc ác vô lương tâm như tên trộm bên trái Chúa đã chê trách Chúa trên cây thập giá. Đinh nhọn cũng còn là những sự dửng dưng, thậm chí hùa theo kẻ mạnh để làm khổ người thân yếu cô thế như đám đông dân chúng đã la to: “Đóng đinh nó vào thập giá…”
Ngày nay chung quanh chúng ta không thiếu những người đau khổ là hiện thân của Chúa Giêsu trên thập giá. Họ chính là những người mắc bệnh nan y mà không tiền chữa trị, hoặc là những người đang chịu đựng những lời khích bác và vu khống bất công của những kẻ thù giấu mặt mà không ai động viên an ủi. Họ cũng chính là những người đang gặp đau khổ như què quặt, đui mù, đi xin ăn mà không biết ngày mai sẽ ra sao…
Chúng ta có thể làm gì? Hãy cảm thông với họ như các phụ nữ gặp gỡ Chúa trên đường thập giá, hãy giúp đỡ họ như ông Si-mon vác đỡ thập giá Chúa, như bà Vêrônica trao khăn cho Chúa lau mặt, hãy bênh vực công lý như người trộm lành bên hữu Chúa, hãy giải thoát họ khỏi những đau khổ ấy như hai môn đệ xưa đã tháo đinh và cất xác Chúa xuống khỏi thập giá…
Tóm lại, chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ, vậy chúng ta hãy cảm nếm thật sâu xa nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng đừng quên nhận ra những khổ đau của anh em chung quanh. Càng suy niệm về cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

________________________________________


Thánh Giá
Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã suy nghĩ về việc chết đi cho chính mình để sinh nhiều hoa trái cho Nước Thiên Chúa. Một cách diễn tả khác cho sự thật này là hình ảnh vác thập giá của chính chúng ta. Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về thực tại thập giá và đau khổ trong cuộc sống của Chúa Giêsu. Việc suy niệm này chắc chắn làm chúng ta nghĩ đến những đau khổ mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Chúng ta đã ẵm lấy thập giá đau khổ và hy sinh trong cuộc sống của chúng ta như thế nào?
Khi chúng ta đương đầu với đau khổ trong cuộc sống và ẵm lấy thập giá mà Chúa Giêsu trao cho, thì chúng ta làm điều mà Chúa Giêsu đã làm trước chúng ta và Người đã chuẩn bị con đường dẫn đến chiến thắng cuối cùng trong cuộc đời của chúng ta. Dầu vậy, đôi khi con đường trước mắt có vẻ tối tăm và bấp bênh, những lúc đó chúng ta cần xác tín Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta và Người cũng không bao giờ để chúng ta phải chịu đau khổ quá sức mình. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã nhắc cho chúng ta, cuối cùng, Chúa Giêsu sẽ chiến thắng và Người sẽ lãnh nhận vinh quang trọn vẹn mà Chúa Cha muốn ban cho Người. Đây cũng là lời hứa cho chúng ta, nếu chúng ta chọn lựa trung thành chịu đựng đau khổ cùng với Người.
Kinh Thánh cũng như giáo huấn của Giáo Hội không bao giờ khẳng định đau khổ tự nó là một điều tốt, tuy nhiên, cả hai lại khẳng định giá trị cứu độ của đau khổ. Khi chúng ta kết hiệp đau khổ của mình với đau khổ của Chúa Giêsu thì chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức”. Khi chúng ta gặp phải bất kỳ một loại đau khổ nào thì đoạn Kinh Thánh này đem lại cho chúng ta một niềm hy vọng lớn lao. Thiên Chúa cho phép chúng ta kết hiệp đau khổ của chúng ta với đau khổ của Ngài, và vì thế trở nên những người cộng tác với Ngài trong việc đem lại ơn cứu độ cho mọi người. Đây là dấu chỉ đích thật cho phẩm giá cao cả của con người. Khi suy niệm về mầu nhiệm đau khổ của Chúa Kitô, chúng ta kín múc được một sức mạnh từ việc nhận thức chúng ta được kết hiệp với Ngài trong một cách thức mầu nhiệm.
Lạy Chúa Giêsu, chỉ có Chúa mới có thể đem lại sức sống và sự thiện hảo đến cho con trong những tình huống đau thương nhất. Xin giúp con luôn biết tín thác vào Chúa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

________________________________________


Trung thành với lời tung hô
Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Với thái độ tung hô vạn tuế của dân chúng trong ngày hôm nay, chúng ta đã xác tín Đức Kitô là vị vua phải đến để kiến tạo hòa bình, để trả lại cho con người sự tự do hầu có thể phát triển toàn diện nhân phẩm của mình. Ngài là niềm hy vọng của những kẻ nghèo khó, bất hạnh và khổ đau, Ngài là niềm an ủi của những kẻ bị bóc lột, bị bạc đãi, bị xúc phạm và bị ném ra bên ngoài xã hội.
Đồng thời chúng ta tuyên xưng Ngài là vị lãnh đạo, xử dụng tình thương làm khí cụ để xây dựng một xã hội loài người trên công bình.
Nếu tham dự vào cuộc rước kiệu trong Chúa nhật lễ lá với lời hoan hô chúc tụng Chúa Giêsu là Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến, thì chúng ta có bổn phận phải tiếp tục bước theo Ngài.
Bởi vì con đường Ngài đã đi cũng phải là con đường chúng ta bước theo, mặc dầu chúng ta biết con đường này là con đường sỏi đá, con đường gai góc, con đường thập giá. Chính con đường này sẽ dẫn chúng ta tới đỉnh đồi Canvê, để rồi qua những khổ đau và nhất là qua cái chết trên thập giá, chúng ta cũng sẽ được tiến đến cuộc chiến thắng Phục sinh.
Vì thế, có người đã viết về sự liên quan giữa Chúa nhật lễ lá và ngày thứ sáu tuần thánh như sau:
- Giữa Chúa nhật lễ lá và ngày thứ sáu tuần thánh có một sự phản ảnh cho cuộc đời người Kitô hữu.
Thực vậy, hôm nay chúng ta tung hô chúc tụng Chúa, nhưng ngày mai chúng ta có thể sẽ gào thét đóng đinh Chúa vào thập giá. Hôm nay chúng ta yêu thương Ngài, nhưng ngày mai có thể chúng ta sẽ ghét bỏ Ngài. Hôm nay chúng ta hân hoan, nhưng ngày mai chúng ta lại buồn sầu. Hôm nay chúng ta hiền hòa, nhưng ngày mai chúng ta lại gian ác. Hôm nay chúng ta tin tưởng, nhưng ngày mai chúng ta lại thất vọng.
Phải, danh sách các mâu thuẫn giữa thiện và ác còn có thể tiếp tục nối dài và thực sự giữa Chúa nhật lễ lá và thứ sáu tuần thánh, là cả một đời người tín hữu được phản chiếu.
Để làm sáng tỏ những tư tưởng này, một diễn giả đã dùng hình ảnh cành lá dừa. Cành lá dừa xanh tươi, tượng trưng cho những đặc tính tích cực của Chúa nhật lễ lá, như hoan hô chúc tụng Chúa, yêu thương, hân hoan, hiền hòa và tin tưởng. Thế nhưng mỗi lần nêu lên một điểm tiêu cực của ngày thứ sáu tuần thánh cũng như của chính cuộc sống như: Oán ghét, hoài nghi, gian ác, buồn phiền và khước từ Chúa, thì diễn giả ấy liền tước bỏ phần lá xanh, và chỉ để lại chiếc cọng của nó mà thôi.
Cuối cùng, cành lá dừa xanh tươi đã trở thành một bó roi cỏ để dùng để hành hạ nhau, biến thiên đàng thành địa ngục.
Ước chi tuần thánh là thời gian chúng ta được hướng dẫn để tiếp tục bước theo những dấu chân cuối cùng của Chúa Giêsu nơi dương thế, để chúng ta luôn trung thành gắn bó với đấng chúng ta tuyên xưng hôm nay: Chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến.

________________________________________


Cuộc Khổ Nạn
Trong suốt ba năm, Đức Giêsu đã đi từ ngôi làng này đến ngôi làng khác, làm việc lành, giảng dạy, và chữa bệnh cho dân chúng. Khi đi đến bất cứ nơi đâu, Đức Giêsu cũng đều được đám đông vây quanh lắng nghe và tìm kiếm nhiều điều nơi Người. Đây là ba năm mà Người đã hoạt động một cách trọn vẹn và tích cực ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, Đức Giêsu vẫn ở thế chủ động. Người đã đi đây đi đó ít nhiều theo ý của Người.
Nhưng khi Người giao nộp mình vào tay kẻ thù trong Giệtsimani (Người bị một trong những môn đệ của Người giao nộp), thì tất cả thế chủ động của Người chấm dứt. Điều này tượng trưng cho một điểm xoay chuyển trong sứ vụ của Người. Kể từ đây, Người bắt đầu phải chịu đựng đau khổ. Và đó là lúc bắt đầu cuộc khổ nạn của Người. Từ thời điểm đó, Người không còn làm chủ những điều đang diễn tiến nữa. Bấy giờ, các sự việc được thực hiện nhắm vào Người, hơn là do người.
Từ đó, Người bị ngăn chặn, giam giữ và giải đến cho Hêrôđê, Cai pha, Philatô thẩm vấn, đánh đập, đội mão gai, bắt vác thánh giá, lột quần áo, đóng đinh, bị chế nhạo… và cuối cùng, Người đã chịu chết. Đức Giêsu đã hoàn tất sứ vụ của Người, không chỉ bằng những hành động của Người, mà đặc biệt hơn, còn bằng những điều người ta làm cho Người nữa – bằng cuộc khổ nạn của Người. Chúng ta phải hiểu rõ một điều: Chúa Cha không ném Người vào tay những kẻ độc ác. Đức Giêsu đã chịu chết một cách tự nguyện. Người đã hiến mạng sống của Người.
Nhiều lúc, cuộc sống của chúng ta được xác định bằng những điều xảy đến với chúng ta, hơn là những việc chúng ta thực hiện: theo một ý nghĩa rất thật, thì đâu chính là cuộc khổ nạn của chúng ta. Nếu chúng ta có thể thực sự chấp nhận được cuộc khổ nạn này, cũng như những hành động của chúng ta, thì điều đó sẽ dẫn đến sự cứu độ cho chúng ta.
Điều quan trọng là nhận ra phạm vi mà chúng ta hoạt động. Khi còn bé, chúng ta chỉ biết trông cậy vào “lòng thương xót” của những người lớn. Trong hành trình cuộc đời, chúng ta còn có số phận, sự phản bội, những rủi ro, đủ mọi loại bệnh tật, mất mát tình bạn, thất bại trong các tương quan, thất vọng đối với người bạn đời hoặc con cái, cái chết của những người thân yêu, công việc làm ăn vất vả v.v…
Tất nhiên, chúng ta cũng có những lúc vui vẻ và những giai đoạn được sống an bình. Nhưng sự thật là vẫn có nhiều điều vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Đó là những yếu tố làm nên kiếp người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có sự chọn lựa trong cách thức đáp trả lại những gì mà cuộc sống gửi đến chúng ta. Cách đáp trả này có thể làm nên con người chúng ta, hoặc bẻ gãy chúng ta.
Đức Giêsu vẫn tồn tại với tư cách là chính bản thân Người, đầy sức mạnh, trong sạch, và tốt đẹp. Chúng ta sẽ trở thành con người nào, nếu cảnh mất mát, khủng hoảng, hoặc những sự tước đoạt thì giờ đã lấy đi của chúng ta vẻ bên ngoài thành công, tầm quan trọng cá nhân, thậm chí ngay cả nhân cách nữa?
Câu chuyện Cuộc Khổ Nạn chứng tỏ cách thế Đức Giêsu đáp trả lại những điều xảy đến với Người. Người đã chấp nhận tất cả cảnh bạo lực, biến đổi chúng, và chuyển chúng thành tình yêu và ơn tha thứ. Đây là sự chiến thắng của tình yêu vượt lên trên tất cả những sức mạnh tàn phá. Không có gì ngoài tình yêu nơi Đức Giêsu. Ngay cả khi người ta đóng đinh vào tay chân Người. Người vẫn yêu thương. Điều này giúp chúng ta suy nghĩ đến những lúc chúng ta trải qua cảnh khó khăn.

________________________________________


Tội lỗi của ta
Đó là vào đầu tháng 11, lá cây phủ đầy các con đường, rải rác trên mặt đất. Người ta kêu gọi mỗi gia đình thu gom những lá cây của nhà mình vào những giỏ nhựa, và chuyển đến cho những người hốt rác. Bây giờ, khi sử dụng những lá cây như một biểu tượng của tội lỗi, chúng ta hãy nhận xét xem sự việc diễn tiến ra sao.
Một số người không hề cảm thấy phiền toái gì cả, khi nhìn thấy những lá cây rơi xuống, phủ đầy trên bãi cỏ, bồn hoa và lối đi. Họ nhìn thấy chúng ta bắt đầu mục nát và làm cho không khí bốc mùi hôi thối. Nhưng mỗi ngày, họ đều bước lên trên những lá cây thối rữa đó, dường như thể chúng chưa bao giờ hiện diện. Đây là những người mà đối với họ, tội lỗi không là gì cả. Hêrôđê là một trong những người này.
Một người quét ra ngoài đường những lá cây trên bãi cỏ và lối đi cả nhà họ. Tại đó, chúng trở thành một đống xấu xí khó coi, và tạo ra một mối nguy hại đối với các tài xế. Nhưng người đó không hề bận tâm, họ cứ để mặc cho người khác đến dọn sạch đống rác đó đi. Người này nhắc nhở chúng ta về những kẻ làm phiền người khác vì tội lỗi của họ. Philatô, bọn quân lính và đám đông thuộc loại người này.
Hầu hết người ta thường quan tâm đến việc dọn dẹp những lá cây của nhà họ, nhưng họ không màng đến việc nhặt một chiếc lá trên bãi cỏ nhà hàng xóm. Đây là phần đất và trách nhiệm của người đó. Loại người này đại diện cho những người biết nhận trách nhiệm đối với tội lỗi của mình. Phêrô là một ví dụ.
Cuối cùng, có một người đang chú ý. Người này không chỉ thu gom những lá cây trên bãi cỏ nhà mình, mà còn thu gom cả những lá cây ngoài đường nữa. Và người đó làm công việc này một cách âm thầm, không hề phàn nàn gì cả. Người đó nhắc nhở chúng ta đôi chút về Đức Kitô, Đấng đã chịu chết vì tất cả chúng ta. Nhưng Đức Kitô là một người duy nhất không hề phạm tội.
Tuần Thánh không phải là một tuần lễ để chúng ta ẩn núp phía sau người khác. Chúng ta phải nhận trách nhiệm đối với tội lỗi của mình. Nếu biết nhìn nhận tội lỗi của mình, chúng ta không có gì phải sợ hãi, bởi vì Đức Kitô đã đến gánh tất cả tội lỗi của chúng ta. Sau đó. ít nhất chúng ta có thể cố gắng cảm thấy một số trách nhiệm đối với tội lỗi của đồng loại và của cả thế giới nói chung.
Không ai là một hòn đảo. Mỗi người chúng ta đều là một phần tử ở trên mảnh đất của nhân loại.

________________________________________


Thái độ
Không có điểm nào trong việc trở nên nhạy cảm về nỗi đau khổ. Người ta có thể quá bị đụng chạm, đến nỗi họ trở nên cay cú, và sẽ không bù đắp lại được. “Một sự hy sinh quá lâu dài, có thể làm cho trái tim trở thành chai đá” (W.B. Yeats).
Tuy nhiên, nỗi đau khổ có thể trở thành một cơ hội. Đây không phải là vấn đề lý tưởng hóa nỗi đau khổ, nhưng là đương đầu với nó trong niềm hy vọng. Giá trị của nỗi đau khổ không hệ tại ở cảm giác đau đớn của nó, nhưng hệ tại ở thái độ của người chịu đau khổ. Nỗi đau khổ có thể thanh tẩy linh hồn con người, và biến đổi tính cách của người đó. Nỗi đau đớn có thể mang lại hiệu quả. Nỗi đau khổ là một phần thiết yếu trong quá trình trở thành con người thực sự, nghĩa là một người có lòng thương xót và trưởng thành.
Chúng ta không được coi nỗi đau khổ như là một sự trừng phạt của Thiên Chúa. Thiên Chúa không trừng phạt bất cứ ai. Quả thật Thiên Chúa để cho chúng ta chịu đau khổ, chỉ vì điều tốt đẹp có thể xuất phát từ nỗi đau khổ mà thôi. Nỗi đau khổ có thể đưa chúng ta đến gần với Người hơn. Qua đau khổ, chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh và tình yêu của Người.
Thật là một sự an ủi lớn lao cho chúng ta, khi nhận biết rằng Đức Kitô, Đấng Vô Tội và Không Hề Phạm Tội, lại đi trên con đường đau khổ trước chúng ta, và Người đã đi đến tận cùng. Trên thánh giá, Người gom tất cả nỗi đau của nhân loại, và biến thành của riêng Người.
Trong suốt thời cộng sản, thi sĩ Irina Ratushinkaya đã sống một thời gian trong các trại lao động ảm đạm ở nước Nga. Bà nói “Cách thức tốt nhất để giữ được nhân cách của bạn trong các trại này, là quan tâm nhiều hơn đến nỗi đau khổ của người khác, hơn là của bản thân bạn” Chúng ta không thể học hỏi được về lòng thương xót, nếu không biết đau khổ.
Trong Cuộc Khổ Nạn của Người, chúng ta nhận thấy cách thức Đức Kitô quan tâm đến người khác – Người quan tâm đến những phụ nữ thành Giêrusalem đồng cảm với Người, Người quan tâm đến tên trộm, và tất nhiên Người quan tâm đến mẹ của Người. Nơi Người, không có gì khác ngoài tấm lòng yêu thương. Ngay cả khi bị đóng đinh tay chân trên thánh giá, Người vẫn tiếp tục yêu thương.
Đức Giêsu không chịu chết để giải thoát chúng ta khỏi đau khổ. Người đã chết để dạy cho chúng ta cách thức chịu đau khổ. Mặc dù con đường đau khổ chật hẹp và khó khăn, nhưng từ khi Đức Giêsu đi qua đó, thì nó không còn như vậy nữa. Một ánh sáng rạng ngời chiếu tỏa trên nó. Những ai biết liên kết những đau khổ của mình với những đau khổ của Đức Kitô, thì những đau khổ đó sẽ trở thành nguồn ân sủng cho toàn thể cộng đồng, và họ sẽ được chia sẻ vinh quang Phục sinh của Đức Kitô.

Chữ ký của fxvansy

 

Cuộc Thương Khó

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang


Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Giới Trẻ Ngô Xá ngoxaonline™ :: •´¨`:*:•(¯`'•.GÓC THÀNH VIÊN.•'´¯)•:*:´¨`• :: Kỷ Năng Sống-
Có Bài Mới Có bài mới đăngChưa Có Bài Mới Chưa có bài mớiChuyên Mục Ðang Bị Khóa Ðã bị đóng lại
Developed by Little Lamb & Friends™.
Copyright © 2007 - 2010, wWw.NgoXaOnline.forumvi.net .
Powered by phpBB2 - GNU General Public License. Host in France. Support by Forumotion.
Xem tốt nhất ở độ phần giải 1280x1024 và trình duyệt Firefox ,Google Chrome và IE7 trở lên
Get Google Chrom Now Get Firefox Now Get Windows Media Player Now
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất