Giới Trẻ Ngô Xá ngoxaonline™
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Giới Trẻ Ngô Xá ngoxaonline™

Diển đàn giao lưu của xứ Ngô Xá - Giáo Hạt Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
•´¨`:*:•(¯`'•. Thống Kê Bài Viết Mới.•'´¯)•:*:´¨`•
Similar topics

Share | 

 

 THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
THỨ TƯ TUẦN THÁNH Icon_minitimeTue Apr 03, 2012 7:43 am

fxvansy

Búa Gỗ

fxvansy

Hoàng đạo : Cung Nhân Mã
Tử Vi : Hợi
Tổng số bài gửi : 15
Điểm : 45
Danh Tiếng : 0
Tuổi : 40
Đến từ : ĐÔNG THÀNH

Bài gửiTiêu đề: THỨ TƯ TUẦN THÁNH

 


GIỜ CỦA ĐỨC GIÊSU

“Con Người ra đi như đã viết về Ngài…”
(Mt 26,24)

Một trong những kiểu nói kỳ lạ mà Chúa Giêsu thường dùng trong cuộc đời công khai: Đó là “Giờ của Ta”

I

1. Từ ngày đầu tiên của cuộc đời công khai, tại Cana, trước khi làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu, Đức Giêsu đã nói về giờ ấy: “Giờ Ta chưa đến” (Ga 2,4). Nhưng rồi giờ ấy đến dần dần. Thánh Gioan đã ghi lại rất nhiều chỉ dẫn về giờ ấy.

Khi giờ ấy chưa đến thì các kẻ thù của Đức Giêsu không làm gì được: “Họ định bắt Người, nhưng chẳng ai tra tay trên Người, vì giờ Người chưa đến” (Ga 7,30).

Nhưng rồi dần dần Đức Giêsu tiên báo giờ ấy đến gần. Cùng với các môn đệ và thân hữu thì Người nói nhiều lần. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Matthêu cũng có ghi lại một câu nói của Chúa: “Các ngươi hãy vào thành gặp ông kia mà nói với ông: Thầy bảo: Giờ của Ta đã gần, Ta muốn cử hành lễ vượt qua với môn đệ Ta tại nhà ngươi” (Mt 26,18).

Cùng với người Hy Lạp lên chầu lễ ở Giêrusalem muốn nhìn Người và nói chuyện với Người, thì Người nói: “Giờ đã đến cho Con Người được tôn vinh! Quả thật, quả thật Ta bảo các ngươi: Giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả” (Ga 12,23-24).


2. Giờ ấy là giờ gì? Như Đức Giêsu đã gợi ý cho thấy trong câu nói trên, giờ ấy là “giờ con Người được tôn vinh”, giờ mà Đức Giêsu đã khải hoàn trên mọi quyền lực của sự dữ và sự chết. Nhưng trước khi khải hoàn thì phải chiến đấu, trước khi bước vào vinh quang, Đức Giêsu phải vượt qua cuộc khổ nạn và sự chết; cho nên đó cũng là giờ mà hạt lúa mì phải mục nát đi trong lòng đất.

Trong cụ thể đó là giờ:

* Tại vườn Giêtsêmani, nơi Đức Giêsu hấp hối, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện, mồ hôi và máu chảy ra chan hòa trên khuôn mặt và mình mẩy của Người.

* Đó là giờ mà Giuđa hôn Người để nộp Người cho quân lính để chúng trói Người lại như một kẻ gian phi;

* Đó là giờ trước tòa án của người Do Thái và của Philatô, Đức Giêsu phải chịu sỉ nhục, chịu đội mão gai, chịu đánh đòn, chịu tuyên án tử hình;

* Đó là giờ trên đồi Golgotha, nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh, chịu treo trên thập giá ba giờ đồng hồ, giữa hai tên trộm cướp và giữa những tiếng hò la, nhạo báng của các địch thủ.

Phụng vụ Tuần thánh trong những ngày này sẽ trình bày cho ta những chi tiết trong giờ của Đức Kitô: giờ đau khổ, giờ chết, giờ vượt qua.

II

1. Điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên đầu tiên là Đức Giêsu biết trước giờ của Người; Người biết trước từ lâu cuộc khổ nạn Người phải chịu. Đối với chúng ta, chúng ta bước đi trên con đường cuộc đời với sự vô tri: Chúng ta không biết trước được những gì sẽ xảy ra cho chúng ta. Lý trí chúng ta thực ra chỉ cho ta thấy trước một tương lai rất gần thôi. Phải nói rằng sự vô tri ấy gạt đi cho ta rất nhiều lo âu.

Nếu tôi biết trước rõ ràng trong nửa giờ nữa, tôi sẽ bị tai nạn, và phải chết, chắc tôi sẽ không đủ thanh thản để đứng đây nói chuyện với ông bà. Biết bao nhiêu bệnh nhân khi nghe nói rằng mình bị mắc bệnh ung thư, nghĩa là biết rằng mình không thể thoát khỏi cái chết sắp đến thì xỉu đi… Chính nhờ sự vô tri mà ta đã sống phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, có thể sống bình tĩnh, thanh thản cho đến giây phút cuối cùng.

Còn đối với Chúa Giêsu, Người biết trước và biết rất rõ ràng cuộc khổ nạn của Người. Khi Người biến hình vinh quang trên núi Tabor cho Phêrô, Giacôbê và Gioan được thấy, thì Người đã đàm đạo về sự chết của Người với Môsê và Êlia (Lc 9,31).

Khi Maria đổ dầu thơm lên chân Người, thì Người giải thích cử chỉ ấy theo nghĩa “xức xác” trước (Mt 26,12).

Chính vì Đức Giêsu biết trước và biết rõ ràng giờ của Người, cho nên ta có thể nói Người phải gánh cuộc khổ nạn ngày này qua ngày khác. Phần chúng ta chỉ thực sự phải đối diện với cái chết một vài giờ, một đôi ngày; còn Chúa Giêsu đã sống cuộc khổ nạn suốt đời.

2. Điểm thứ hai mà chúng ta phải lưu ý, là Đức Giêsu đã đón nhận giờ của Người một cách rất tự do. Tiên tri Isaia đã tiên báo về một người tôi tớ thống khổ, tình nguyện hy sinh để đền tội cho dân:

“Đức Chúa đã mở tai tôi.
Phần tôi, tôi sẽ không hề phản ngụy,
Tôi đã không lùi sau tháo chạy.
Tôi đã giơ lưng cho người đánh đập,
Và chìa má cho kẻ nhổ râu,
Tôi đã không giấu mặt tránh nhục nhằn và khạc nhổ…” (Is 50,5-6)

Đức Giêsu đã thực hiện từng chữ sấm ngôn của Isaia. Thánh Luca nói là Đức Giêsu “cương quyết” lên Giêrusalem (Lc 9,51). Người đã quở mắng ông Phêrô nặng lời khi ông này muốn ngăn cản Người.

Khi quân lính Do Thái và La Mã tới bắt Người. Phêrô rút gươm ra chém đứt tai một tên đầy tớ của thầy Thượng tế, Chúa liền nói:

“Hãy xỏ gươm vào bao… Hay ngươi tưởng Ta không thể xin cùng Cha Ta cấp ngay cho Ta hơn 12 cơ binh Thiên thần sao? Vậy thì làm sao nên trọn Lời sách thánh là phải xảy ra như vậy? (Mt 26,52-54).

Rồi trước mặt Philatô, Người tuyên bố: “Ông không có quyền gì trên Tôi, nếu từ trên không ban xuống cho” (Ga 19,11).

Như vậy quyền của Tổng trấn La Mã, quyền tuyên án hay tha chết, là phát xuất từ Thiên Chúa.

Sở dĩ Chúa Giêsu đón nhận một cách rất tự do giờ khổ nạn của Người, là vì Người tin vào Thánh ý của Chúa Cha, thánh ý nhiệm mầu và đầy yêu thương đối với bạn thân Người và đối với tất cả nhân loại.

3. Nếu chúng ta nhìn Đức Giêsu với lý trí mà thôi, chúng ta sẽ không hiểu nổi. Chỉ có niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa mới giúp chúng ta hiểu rõ được cuộc đời của Đức Giêsu, mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm cứu chuộc. Sở dĩ Con Thiên Chúa đã làm người là vì “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban người con một, ngõ hầu ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời” (Ga 3,16).

Và sở dĩ Đức Giêsu đã đón nhận giờ khổ nạn của Người một cách tự do như thế, là vì “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Thánh Phaolô cảm thấy tình yêu ấy của Thiên Chúa và của Đức Giêsu bao trùm lấy toàn thể Giáo Hội. Trong thư gửi các tín hữu ở Êphêsô, thánh Phaolô đã viết: “Đức Kitô đã yêu mến Giáo Hội và đã phó nộp mình đi, ngõ hầu tác thánh, tẩy sạch… hầu tự hiến cho mình một Giáo Hội quang vinh, không vết nhơ hay nếp nhăn, hay chút gì như thế” (Ep 5,25).

Câu này tóm tắt được tất cả mầu nhiệm khổ nạn: Đức Giêsu đã phó nộp mình đi, nghĩa là Người đã tình nguyện trao thân mình để đón nhận sự đau khổ và chết; và điều gì đã thúc đẩy Người phó nộp mình như thế? Lý do sâu xa nhất là tình yêu: “Người đã yêu mến Giáo Hội”. Và Giáo Hội ấy không phải là một ý niệm trừu tượng, một tập thể chung chung, nhưng là mỗi người chúng ta; cho nên cũng chính Thánh Phaolô đã viết: “Người đã yêu mến tôi và đã phó nộp mình vì tôi” (Gl 2,20).

Hậu quả của sự tự hiến bản thân mình vì tình yêu là sự thánh thiện của Giáo hội: “Ngõ hầu tác thánh, tẩy sạch Giáo Hội”.

III

Đức Giêsu đã sống “Giờ” của Người, đã chịu khổ nạn và chịu chết trên Thập giá vì sự thánh thiện và vì phần rỗi của tất cả chúng ta. Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể được hưởng hiệu quả của công trình cứu chuộc ấy, nếu chúng ta tham dự vào của lễ của Người. Làm thế nào để tham dự vào của lễ của Đức Giêsu? Bằng nhiều cách:

1. Cách thứ nhất là chiêm ngắm với niềm tin và yêu mến các giai đoạn trong giờ khổ nạn của Đức Giêsu. Mỗi năm, trong suốt Tuần Thánh, Giáo Hội sống lại với Đức Giêsu, từng ngày một, từng giờ một, tất cả mọi biến cố trong công việc cứu chuộc của Con Thiên Chúa. Nếu chúng ta chăm chỉ suy ngắm mầu nhiệm này, chúng ta sẽ tìm được một nguồn ân sủng vô giá.

2. Cách thứ hai là tham dự vào Thánh lễ. Sau khi lập phép Thánh Thể, Đức Giêsu đã nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25). Chính là để tưởng niệm tới Đức Giêsu trong mầu nhiệm cứu chuộc, mà Giáo Hội đã cử hành Thánh lễ không phải là mỗi năm một lần, nhưng là hằng ngày. Vậy chúng ta hãy cố gắng tham dự Thánh lễ hàng ngày, nhất là chịu lễ hàng ngày để tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.

3. Sau hết chúng ta còn có thể kết hiệp vào mầu nhiệm Khổ nạn bằng cách đón nhận, vì tình yêu đối với Đức Giêsu, những đau khổ và những nghịch cảnh mà Thiên Chúa gửi đến cho ta. Đức Giêsu đã nói: “Nếu ai muốn đi theo Ta thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta” (Lc 9,23).

Mỗi người chúng ta đều được Chúa trao cho một thánh giá. Chúng ta đừng nói: “Thiên Chúa phải thay đổi cho tôi hoàn cảnh này, hoàn cảnh kia…”. Chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin ý Cha được thành sự, chứ không phải ý Con” (Lc 22,42).

“Chối bỏ chính mình” là từ bỏ ý riêng để có thể thực hiện Thánh ý của Thiên Chúa.

Ngay từ đầu bài suy gẫm này, chúng ta đã để ý: Giờ Đức Giêsu là giờ khổ nạn, nhưng cũng là giờ vinh quang. Nếu chúng ta chia sẻ cuộc khổ nạn của Người, Người cũng sẽ cho chúng ta tham dự vào vinh quang Phục sinh của Người. Trước ngày chịu nạn, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các ngươi là những kẻ giữa những lúc Ta chịu thử thách đã hằng ở với Ta, thì phần Ta, cũng như Cha Ta đã phân định cho Ta vương quyền, thì Ta phân định là các ngươi được ăn uống nơi bàn tiệc Ta, trong nước của Ta…” (Lc 22,28).

Nếu chúng ta “hằng ở với Đức Giêsu trong các thử thách của Người”, nếu chúng ta năng chiêm ngắm các đau khổ của Người, thì khi đến giờ cuối cùng cuộc đời chúng ta, Người sẽ đến và đem chúng ta vào trong Vương quốc vinh quang của Cha Người.

Chữ ký của fxvansy

 

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang


Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Giới Trẻ Ngô Xá ngoxaonline™ :: •´¨`:*:•(¯`'•.GÓC THÀNH VIÊN.•'´¯)•:*:´¨`• :: Kỷ Năng Sống-
Có Bài Mới Có bài mới đăngChưa Có Bài Mới Chưa có bài mớiChuyên Mục Ðang Bị Khóa Ðã bị đóng lại
Developed by Little Lamb & Friends™.
Copyright © 2007 - 2010, wWw.NgoXaOnline.forumvi.net .
Powered by phpBB2 - GNU General Public License. Host in France. Support by Forumotion.
Xem tốt nhất ở độ phần giải 1280x1024 và trình duyệt Firefox ,Google Chrome và IE7 trở lên
Get Google Chrom Now Get Firefox Now Get Windows Media Player Now
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất